Lịch sử Đảng bộ xã Hoằng Đạt

Đăng lúc: 15:29:59 15/05/2019 (GMT+7)

Lịch sử hình thành Đảng bộ xã Hoằng Đạt

 1. Tổ Đảng, chi bộ Đảng xã ra đời, thành lập xã Hoằng Đạt và củng cố chính quyền

Ngày 21 tháng 7 năm 1947, chi bộ Đảng Hoằng Phúc được thành lập, lấy tên là chi bộ Phan Đăng Lưu, là tiền đề của sự phát triển tổ chức Đảng ở xã Hoằng Đạt. Sau cách mạng tháng 8 một số chiến sỹ tiền khởi nghĩa trong xã được cấp trên điều động về Huyện đi xây dựng phong trào và vào quân đội. Những đồng chí còn lại được chi bộ Phan Đăng Lưu giáo dục, giác ngộ về Đảng, về cách mạng, các đồng chí Nguyễn Tý, Đinh Phương Mao, Hoàng Công Tráng được kết nạp vào Đảng tháng 8 năm 1947. Đây là lớp Đảng viên đầu tiên của xã Hoằng Đạt. Khoảng giữa tháng 7 năm 1947 tại nhà đồng chí Đinh Phương Mao ( Tam Nguyên ), tổ đảng Hoằng Đạt được thành lập, lấy tên là Tổ Minh Khai, có 4 đảng viên ( 3 đồng chí là người của xã và đồng chí Lê Du thuộc Tế độ - Hoằng Phúc ). Ban chấp hành chi bộ tham gia sinh hoạt do đồng chí Nguyễn Tý làm tổ trưởng. Đây là tổ chức Đảng đầu tiên của xã, tiền thân của Đảng bộ ngày nay, đánh dấu sự trưởng thành và giác ngộ của quần chúng.

Từ khi tổ Đảng ra đời đã tích cực giáo dục quần chúng tiến bộ để phát triển Đảng. Đến tháng 10 năm 1948 đã đề nghị kết nạp thêm 11 đảng viên mới, tăng lực lượng lãnh đạo phong trào của xã.

Để việc lãnh đạo, chỉ đạo được sát sao, theo chủ trương của trên, Huyện Hoằng Hóa chi từ 17 xã thành 47 xã. Tháng 10 năm 1953 xã Hoằng phúc chia thành 3 xã: Hoằng Phúc, Hoằng Đạt và Hoằng Hà.

Hoằng Đạt ra đời với diện tích 581 ha, dân số 3.275 khẩu, gồm 3 thôn: Trù Ninh, Hạ Vũ và Tam Nguyên. Cơ cấu hành chính được kiện toàn thành 18 xóm để duy trì điều hành hoạt động. Ủy ban kháng chiến hành chính ra đời lấy Chùa Giữa ( Hạ Vũ ) làm trụ sở.

Cùng với việc thành lập xã, theo chỉ thị của Huyện ủy, ngày 25 tháng 10 năm 1953 tại nhà bà Nguyễn Thị Sang ( bà Tài Lục ) thôn Hạ Vũ, chi bộ xã Hoằng Đạt được thành lập, có 82 đảng viên. Đây cũng là kỳ họp thứ nhất của chi bộ xã. Đồng chí Đinh Văn Vợn ( Tam Nguyên ) được chỉ định làm bí thư chi bộ xã đầu tiên.

Chi bộ chia thành 3 tổ Đảng:

- Tổ Đức Vịnh – thôn Trù Ninh: có 33 đảng viên, do đồng chí Nguyễn Văn Chơng làm tổ trưởng

- Tổ Minh Khai – thôn Tam Nguyên: có 27 đảng viên, do đồng chí Đinh Văn Bài làm tổ trưởng

- Tổ Trần Phú – Thôn Hạ Vũ: có 22 đảng viên, do đồng chí Lê Ngọc Minh làm tổ trưởng

  Tại cuộc họp này, chi bộ bầu đồng chí Phan Văn Thái làm chủ tịch ủy ban kháng chiến hành chính xã. Chi bộ xác định phương hướng, nhiệm vụ lãnh đạo: nhanh chóng kiện toàn tổ chức đoàn thể đi vào tuyên truyền vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào “ thi đua ái quốc ” phát triển kinh tế, xây dựng địa bàn vững chắc, tích cực thực hiện các chủ trương của chính phủ trong cuộc khánh chiến chống thực dân pháp.

  Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, bộ máy hành chính xã, các tổ chức đoàn thể nhanh chóng được thành lập, ổn định từ thôn đến xã.

- Hội nông dân do đồng chí Đinh văn Vợn kiêm nhiệm làm bí thư

- Hội Phụ nữ do đồng chí Lê Thị Pháo làm bí thư

- Đoàn Thanh niên do đồng chí Đinh Kim  Hùng làm bí thư

- Mặt trận thống nhất Liên minh – Liên việt do đồng chí Lương Văn Tý làm chủ tịch

Chi bộ Hoằng Đạt ra đời đã đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng trong xã, là niềm vinh dự của quần chúng nhân dân Hoằng Đạt, có lực lượng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện để đưa quê hương ngày càng phát triển.

2. Lãnh đạo hàn gắn viết thương chiến tranh, cải cách ruộng đất, phục hồi kinh tế, phát triển văn hóa – xã hội bước đầu ( 6/1964 -1957 )

Ngày 7/5/1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ giành thắng lợi, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng Hoằng Đạt, nhân dân hăng hái thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược của Đảng “ Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước ”

Thực hiện nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, chi bộ đảng Hoằng Đạt đã lãnh đạo và huy động hàng ngàn ngày công của nhân dân, lấy lực lượng tự vệ du kích làm nòng cốt trong thời gian ngắn đã hoàn thành việc san lấp hầm, hào giao thông, ụ chướng ngại vật, sửa chữa đường giao thông liên thôn, liên xóm.

Khi thực dân Pháp rút khỏi miền Bắc, một số giáo dân Hoằng Đạt và phần tử thuộc hội đồng lý hương cũ chậm giác ngộ đã bị dao động. Trước tình hình đó, chi bộ triển khai lãnh đạo kịp thời, động viên, thuyết phục, giữ ổn định tư tưởng cho nhân dân.

Từ tháng 6 năm 1954 đến năm 1956, xã Hoằng Đạt được đón các đơn vị bộ đội Quân khu năm ra tập kết và một số đơn vị quân khu 3, quân khu 4 về chỉnh huấn học tập chính trị, huấn luyện quân sự.

Tháng 11 năm 1954 gần 200 cán bộ chiến sỹ quân khu 5 đang chỉnh huấn tại xã cùng cán bộ, nhân dân trong xã vinh dự được đón đồng chí Võ Nguyên Giáp, ủy viên trung ương Đảng, Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam về thăm. Với không khí vui mừng, phấn khởi, lực lượng tự vệ du kích cùng bộ đội chuẩn bị kỳ đài, bãi trống để Đại tướng nói chuyện tại khu vực đồng Bờ Rè Thượng và làm tốt công tác đảm bảo an toàn.

Đồng chí Nguyễn Viết Sen – bí thư chi bộ đại diện cho cán bộ, đảng viên và nhân dân cảm ơn Đại tướng – Tổng tư lệnh và xin hứa quyết tâm phấn đấu thực hiện lời căn dặn của đồng chí.

Tháng 01 năm 1955, tại nhà bà Lê Thị Mỡi thôn Hạ Vũ, Đại hội chi bộ lần thứ nhất đã bầu 5 đồng chí vào Ban chấp hành xã. Gồm các đồng chí: Nguyễn Huy Hán – làm bí thư, Phan văn Thái làm phó bí thư; các đồng chí: Lê Thị Pháo, Nguyễn Tất Căn, Lương Văn Tý làm ủy viên. Đại hội xác định lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

3. Thực hiện kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa, kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội ( 1958 – 1960 )

Thực hiện chủ trương của Đảng về cải tạo nền kinh tế cá thể thành tập thể xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết chi bộ xác định “ tập trung củng cố tổ đổi công làm cơ sở, đưa cán bộ đi học tập điểm, tuyên truyền vận động nông dân tham gia hợp tác xã. Trước hết, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu”. Đến tháng 6 năm 1960 đạt 90 %, có 100 % đảng viên tự nguyện góp ruộng đất, trâu bò theo con đường làm ăn tập thể của Hợp tác xã nông nghiệp.

Chi bộ đẩy mạnh phong trào làm phân xanh, bèo hoa dâu và công tác thủy lợi. Động viên đào giếng chống hạn ở khu vực cao, mở chiến dịch huy động 72.000 ngày công đào đắp hơn 6 vạn mét vuông đất, đào 2 km sông đồng Bón, đồng mét và đặt trạm bơm nước tưới cho 250 ha, nâng 85 ha lúa cấy 1 vụ lên 2 vụ, đưa tổng diện tích cấy tăng 20,5 ha. Đây là công trình đạt hiệu quả kinh tế cao, được Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng Ba.

Trong sản xuất nhiều đảng viên, quần chúng đạt danh hiệu chiến sỹ sản xuất giỏi. Các ông Nguyễn Văn Phòng, Lê Văn Thông ( Hạ Vũ ) đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua sản xuất giỏi cấp Tỉnh.

Công tác xóa nạn mù chữ của xã cũng được đánh giá cao và được Nhà nước tặng Huân chương lao động Hạng Ba. Ông Lê Khắc Tuyển và bà Nguyễn thị Nga đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua diệt dốt của Tỉnh.

4. Thành lập Đảng bộ xã, lãnh đạo thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ( 1960 - 1965)

Trong tình hình giai đoạn cách mạng mới, để triển khai chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân được kịp thời và có sự lãnh đạo sát sao, đáp ứng yêu cầu nhiều mặt công tác của địa phương. Được sự chỉ đạo của Huyện ủy, ngày 21 tháng 8 năm 1960 tại đình Đặc Đạt ( Tam Nguyên ), chi bộ đã mở đại hội quán triệt chỉ thị chuyển chi bộ đảng xã Hoằng Đạt thành Đảng bộ xã, đảng bộ có 92 đảng viên, bầu ban chấp hành xã ủy gồm 7 đồng chí:

- Đ/c: Nguyễn Văn Phòng – Bí thư

- Đ/c: Phạm Văn Thái – phó Bí thư

- Đ/c: Nguyễn Ngọc Chinh - Ủy Viên

- Đ/c: Đinh Văn Hiến - Ủy Viên

- Đ/c: Đinh Văn Tuyết - ủy viên

- Đ/c:  Nguyễn Trọng Tiếu - Ủy viên

- Đ/c: Vũ Văn Năm - ủy viên

Trên cơ sở tổ Đảng, mỗi thôn thành 1 chi bộ. Đảng bộ Hoằng Đạt có 3 chi bộ

- Thôn Trù Ninh : Chi bộ Đức Vịnh gồm 44 Đảng viên, cấp ủy 5 đồng chí:

 - Đ/c: Nguyễn Viết Đa – Bí thư

- Đ/c: Đinh Trọng Hội – phó Bí thư

- Đ/c: Phan Văn Thái - Ủy Viên

- Đ/c: Nguyễn Tá Thuấn - Ủy Viên

- Đ/c: Lê Thị Hẫu - ủy viên

- Thôn Hạ Vũ : Chi bộ Trần Phú gồm 21 Đảng viên, cấp ủy 3 đồng chí:

 - Đ/c: Nguyễn Tý – Bí thư

- Đ/c: Lê Ngọc Minh – phó Bí thư

- Đ/c: Nguyễn Viết Sen - Ủy Viên

- Thôn Tam Nguyên : Chi bộ Minh Khai gồm 27 Đảng viên, cấp ủy 3 đồng chí:

 - Đ/c: Nguyễn Trọng Tiếu – Bí thư

- Đ/c: Đinh Văn Tuất – phó Bí thư

- Đ/c: Lê Khắc Điếm - Ủy Viên.

Ngày sau Đại hội, đảng ủy đã đi sâu vào công tác giáo dục chính trị, nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa, giác ngộ về 3 cuộc cách mạng ở nông thôn, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

*. Công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị

Sau khi Đảng bộ xã thành lập, quán triệt chỉ thị của Tỉnh ủy, Huyện uỷ về cuộc vận động xây dựng Đảng, thực hiện “ 3 xây, 3 chống ” và xây dựng chi bộ “ tiến bộ gương mẫu ”, trong các kỳ đại hội, sinh hoạt chi bộ đã đề ra nghị quyết xây dựng Đảng bộ cả về chính trị tư tưởng và tổ chức. Để phù hợp với nhiệm vụ thực tế, đảng bộ xã từng bước ổn định lại tổ chức chi bộ theo nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội. Từ tháng 9 năm 1964, mỗi hợp tác xã nông nghiệp thành lập 1 chi bộ, trường học và trạm y tế cũng phát triển thành 1 chi bộ. Đảng bộ xã có 6 chi bộ.

Từ tháng 01 năm 1955 đến năm 1965, Đảng bộ qua 5 kỳ đại hội.

- Đại hội lần thứ nhất: Tháng 1 năm 1955, tại nhà bà Lê Thị Mỡi ( thôn Hạ Vũ ). Đồng chí Nguyễn Huy Hán được bầu làm bí thư.

- Đại hội lần thứ hai: Tháng 2 năm 1958. đồng chí Nguyễn Ngọc Trinh được bầu làm bí thư.

- Đại hội lần thứ ba: Ngày 21 tháng 8 năm 1960, tại đình Đặc Đạt ( thôn Tam Nguyên ) chuyển từ chi bộ xã thành Đảng bộ. Đồng chí Nguyễn Văn Phòng được bầu làm bí thư.

- Đại hội lần thứ tư: tháng 10 năm 1961. Đồng chí Đinh Văn Tuyết được bầu làm bí thư.

- Đại hội lần thứ năm: tháng 8 năm 1964. Đồng chí Đinh Văn Tuyết được tái bầu làm bí thư.

Công tác phát triển đảng được quan tâm thường xuyên, từ năm 1959 đến năm 1965, xã kết nạp được 45 đảng viên mới.

Với sự tập trung lãnh đạo của Đảng bộ, sự phấn đấu của cán bộ, đảng viên và nhân dân, Hoằng Đạt đã đạt được những thành tích rất đáng kể trong các phong trào.Đảng bộ và nhân dân Hoằng Đạt vinh dự được Chính phủ tặng thưởng 2 Huân chương lao động hạng Ba, 7 cờ thi đua và nhều bằng khen. Nhiều đảng viên được điều động lên Tỉnh, Huyện đảm nhiệm công tác và cán bộ phong trào của Tỉnh.

5. Thời kỳ 1965 – 1975

Quán triệt Nghị quyết đại hội đại biểu lần thứ 13 của Huyện, tháng 7 năm 1972, tại Hoằng Đạt; Nghị quyết của Đảng bộ xã xác định: “ trong bất kỳ tình hướng nào dù gay go ác liệt đến đâu Đảng bộ tập trung lãnh đạo nhân dân khắc phục vượt qua mọi khó khăn đáp ứng đầy đủ và kịp thời các nhu cầu của chiến trường, đảng viên phải gương mẫu đi trước ”. Trong thời kỳ này tuyệt đại đa số đảng viên luôn vững vàng về chính trị tư tưởng, nêu cao ý chí cách mạng, có 81 % đảng viên đạt tiêu chuẩn “ 4 tốt ”; 82 % chi bộ đạt “ 4 tốt ”. Đảng bộ liên tục đạt “ 4 tốt ”.

Từ tháng 8 năm 1964 đến tháng 4 năm 1975, Đảng bộ xã qua 5 kỳ đại hội.

- Đại hội lần thứ 6: tháng 1 năm 1967. Đồng chí Đinh Văn Tuyết được bầu làm bí thư và được bầu tái cử vào các nhiệm kỳ từ đại hội 7 đến Đại hội lần thứ 10 ( tháng 2 năm 1975 ).

- Đại hội lần thứ 7: tháng 2 năm 1969.

- Đại hội lần thứ 8: tháng 9 năm 1970.

- Đại hội lần thứ 9: tháng 5 năm 1972.

- Đại hội lần thứ 10: tháng 2 năm 1975. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuất được bầu làm bí thư.

Đến Đại hội lần thứ 10. Tháng 2 năm 1975, Đảng viên có 165 đảng viên, sinh hoạt ở 19 chi bộ. Theo cơ cấu hành chính, đội sản xuất và chuyên môn: 13 chi bộ đội sản xuất; 1 chi bộ mua bán,  chi bộ chăn nuôi, chi bộ truyền thanh, chi bộ trạm xá, chi bộ nhà trường, chi bộ thủy lợi ( đội 202 ).

Thời kỳ này, đảng bộ kết nạp được 35 đảng viên mới. Đảng bộ có 27 đảng viên được Huyện, Tỉnh bố trí lên công tác mới, nhập nguc đi chiến đấu và đi làm nhiệm vụ quốc tế. Đưa đi bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn 21 lượt cán bộ.

Chủ tịch UBND từ năm 1965 đến năm 1975 lần lượt đảm nhiệm gồm các đồng chí: Lê Đăng Dy, Lê Ngọc Lưu, Lê Thị Cởn.

Các tổ chức đoàn thể được củng cố và chỉ đạo sát sao theo nhiệm vụ, chức năng, phối hợp chặt chẽ với hoạt động các phong trào có hiệu quả.

Chặng đường 10 năm ( 1965 – 1975 ) tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ miền Bắc, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy, Đảng bộ và nhân dân Hoằng Đạt luôn tin tưởng tuyệt đối vào đường lối cách mạng của Đảng, phát huy chủ nghĩa anh hùng cahcs mạng, đoàn kết một lòng, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, cải thiện dân sinh và chi viện đắc lực cho giải phóng miền Nam.

Với những thành tích đạt được trong chiến đấu và sản xuất, Đảng bộ và nhân dân toàn xã được Đảng, Nhà nước ghi nhận tặng 99 bằng “ Tổ quốc ghi công ”; 419 “ Bảng vàng danh dự ”; gần 1.700 Huân, huy chương các loại, 7 cờ thi đua, nhiều bằng khen, giấy khen trong chiến đấu và sản xuất. Thành tích đó đã vun đắp bề dày truyền thống quý báu cho các thế hệ nối tiếp của xã Hoằng Đạt.

6. Giai đoạn từ tháng 5 năm 1975 đến năm 1986.

Từ tháng 4 năm 1975 đến tháng 12 năm 1985, Đảng bộ xã Hoằng Đạt qua 5 kỳ đại hội:

- Đại hội lần thứ 11: Tháng 9 năm 1976. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuất được bầu tái cử làm bí thư.

- Đại hội lần thứ 12: Tháng 8 năm 1978. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuất được bầu tái cử làm bí thư.

- Đại hội lần thứ 13: Tháng 5 năm 1979. Đồng chí Nguyễn Văn Phòng được bầu  làm bí thư.

- Đại hội lần thứ 14: Tháng 7 năm 1981. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuất được bầu làm bí thư.

- Đại hội lần thứ 15: Tháng 12 năm 1985. Đồng chí Lê Hữu Biền được bầu làm bí thư.

Năm 1980, toàn Đảng bộ có 58,7 % đảng viên được nhận thẻ đảng viên đủ tư cách đợt đầu. Đến năm 1985 có 85 % đảng viên đu tư cách được phát thẻ. Có 93,3 % chi bộ đạt khá, Đảng bộ đạt khá.

Đến năm 1985, toàn Đảng bộ có 15 chi bộ với tổng số 185 đảng viên.

Chặng đường 10 năm ( từ 1975 đến 1986) là thời kỳ đầy gian nan thử thách trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đảng bộ và nhân dân Hoằng Đạt đã vượt qua khó khăn, đạt được những thành tự to lớn: Trình độ dân trí được nâng cao, vững vàng về tư tưởng chính trị. Cán bộ, đảng viên, thanh niên đạt 85 % có trình độ văn hóa cấp II, trong đó có 24 % đạt trình độ văn hóa cấp III, trình độ trung cấp, trong xã đã có người có trình độ đại học. Đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ đói nghèo chỉ còn 27 %.

Những thành tích của Đảng bộ, nhân dân xã Hoằng Đạt trong 10 năm đã được Tỉnh, Huyện ghi nhận và tặng 5 cờ thi đua, 21 bằng khen và nhiều giấy khen về mọi mặt hoạt động.

7. Thời kỳ 1986 – 2008

Bước vào thời kỳ đổi mới, Thực hiện chủ trương của Ban chấp hành trung ương Đảng, Bộ chính trị, một số tổ chức đoàn thể được thành lập tham gia hoạt động thúc đẩy phong trào thực hiện các nhiệm vụ của Đảng.

Để nâng cao quyền lực của cơ quan giám sát, từ năm 1989 HĐND xã được sắp xếp ủy viên chuyên trách, đến năm 1994 có chức danh chủ tịch, PCT HĐND thường trực.

UBND xã ngoài chức danh chủ tịch, Phó chủ tịch, có một số đồng chí phục trách các mặt công tác làm tham mưu cho UBND như: Ban công an, xã đội, tư pháp, văn hóa, địa chính, giao thông thủy lợi, kế toán và văn phòng

Ở xã cơ cấu hành chính thôn, xóm thay đổi, tổ chức đoàn thể cũng chuyển đổi theo, song vẫn đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chi bộ. Từ năm 1986 đến năm 1989 cơ cấu theo đội sản xuất, Tháng 9 năm 1990 tổ chức 3 thôn, tháng 8 năm 1991 chia thành 12 xóm, đến năm 1998 gộp lại thành 4 thôn.

Từ năm 1986 đến năm 2008, Đảng bộ Hoằng Đạt trải qua 6 kỳ đại hội.

- Đại hội lần thứ 16: Tháng 1 năm 1988. Đồng chí Nguyễn Tùng được bầu làm bí thư.

- Đại hội lần thứ 17: Tháng 12 năm 1990. Đồng chí Lê Ngọc Thanh được bầu làm bí thư.

- Đại hội lần thứ 18: Tháng 8 năm 1993. Đồng chí Lê Ngọc Thanh được bầu tái cử làm bí thư.

- Đại hội lần thứ 19: Tháng 12 năm 1995. Đồng chí Lê Ngọc Thanh được bầu tái cử làm bí thư.

- Đại hội lần thứ 20: Tháng 9 năm 2000. Đồng chí Lê Thanh Vân được bầu làm bí thư.

- Đại hội lần thứ 21: Tháng 01 năm 2005. Đồng chí Lê Thanh Vân được bầu tái cử làm bí thư.

Từ năm 1986 đến năm 1990, đảng bộ có 15 chi bộ. Tháng 9 năm 1990 đến tháng 8 năm 1991 có 6 chi bộ ( 3 chi bộ thôn, 2 chi bộ nhà trường và chi bộ Y tế - Mầm non). Từ tháng 9 năm 1991 đến năm 1998 có 14 chi bộ ( 12 chi bộ xóm, 2 chi bộ nhà trường – y tế ). Năm 1998 – 2008 có 7 chi bộ ( 4 chi bộ thôn, 3 chi bộ nhà trường và y tế ). Sau khi điều chỉnh, các chi bộ nhanh chóng ổn định đi vào hoạt động, kịp thời lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.Trong hơn 20 năm đã kết nạp được 54 đảng viên bổ sung vào sức mạnh lãnh đạo để kế tục sự nghiệp của Đảng ở địa phương.

Những thành tích trong hơn 20 năm đổi mới của Đảng bộ và nhân dân Hoằng Đạt được Đảng, Nhà nước, Tỉnh, Huyện công nhận 4 di tích lịch sử văn hóa, 1 làng có công với Nước, phong tặng 5 Bà mẹ việt nam anh hùng, 2 Làng được công nhận làng văn hóa cấp Tỉnh, 1 trường và trạm y tế được công nhận chuẩn quốc gia và được tặng nhiều cờ thi đua, bằng khen, giấy khen. Đó là niềm cổ vũ to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân xã Hoằng Đạt.

                                       Lê Hữu Oai

0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc
CÔNG KHAI KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
348799